Cẩm nang du lịch Huế - Khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đất cố đô

Thứ sáu - 01/11/2024 15:40
Nhắc đến Huế người ta thường nghĩ ngay đến các cung điện, đền đài mang hơi thở cổ xưa một thời vua chúa huy hoàng. Ai cũng muốn một lần du lịch Huế để tận mắt nhìn thấy những bằng chứng sinh động của triều đại phong kiến cuối cùng. Không chỉ thế, nét dịu dàng thư thái và cuộc sống chậm rãi nơi đây cũng được nhiều người yêu thích. Hãy cùng tham khảo những review du lịch Huế của mình để có được kinh nghiệm hay ho nhất cho kì nghỉ sắp tới của bạn nhé.

Tổng quan về Huế - Vùng đất cố đô

Huế là một tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, có đường biên giới với Lào, giáp biển Đông, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Trị. Huế nổi tiếng với cái đẹp thơ mộng, êm đềm mà dịu dàng. Nét duyên dáng ấy khiến bất cứ ai cũng muốn du lịch Huế một lần trong đời.

Về miền đất cố đô, du khách được chiêm ngưỡng những cung điện vàng son, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam thắng cảnh nhuốm màu lịch sử, tất cả làm nên vẻ đẹp độc đáo cho vùng đất xứ Huế. Hãy sắp xếp một chuyến du lịch cố đô Huế để tận mắt nhìn ngắm và cảm nhận những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể mang nhiều giá trị trí tuệ và tinh thần của người dân Việt Nam.

Đến Huế mùa nào đẹp?

Thuộc vùng chuyển tiếp giữa hai miền Nam – Bắc nên thời tiết ở Huế là sự kết hợp giữa cả hai miền, giảm bớt phần khắc nghiệt và cũng khá ôn hòa. Mùa mưa bão ở Huế bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 11, là thời gian cao điểm của các cơn bão, lụt nên cần theo dõi thời tiết trước khi thực hiện chuyến đi. Tuy Huế không có mùa đông rõ rệt như các tỉnh miền Bắc nhưng nhiệt độ cũng không cao, có thể sẽ thấp hơn 10 độ.
Theo nhiều kinh nghiệm du lịch Huế tự túc thì thời gian đẹp nhất cho chuyến tham quan là vào thời điểm giao mùa: giữa hai mùa xuân – hạ và thu – đông.

Tháng 4 – tháng 5: Đây là thời điểm khí hậu ôn hòa, dễ chịu, phù hợp cho mọi hoạt động vui chơi. Đó là chưa kể cứ mỗi 2 năm/ lần, Festival Huế lại được tổ chức vào cuối tháng 4, nhằm tôn vinh các di sản văn hóa và thúc đẩy du lịch.

Mùa hoa xứ Huế: Chẳng kém cạnh Hà Nội 12 mùa hoa, Huế sở hữu không ít loài hoa quyến rũ khoe sắc quanh năm. Tháng 3, tháng 4 là mùa hoa ngô đồng; mùa hè là lúc phượng đỏ nở rực một góc trời cạnh cầu Tràng Tiền; xuyên suốt tháng 5 – tháng 8 là những đóa sen trong Hoàng Thành nở rộ… Tất cả đều góp phần vào vẻ đẹp mộng mơ của xứ cố đô.

Những địa điểm du lịch nổi tiếng không nên bỏ qua khi đến Huế

Chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba (Nguồn: Internet)
Chợ Đông Ba (Nguồn: Internet)

Hình thành từ năm 1899, chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của đất cố đô, vốn quanh năm tấp nập người mua kẻ bán. Chợ kéo dài từ cầu Gia Hội tới cầu Trường Tiền với hàng ngàn gian hàng. Bước vào chợ, bạn sẽ thấy không khí đầy màu sắc của một khu chợ Huế. Du khách tới đây thỏa sức tìm ăn món ngon, hoặc dạo quanh các hàng quần áo, vải, mũ nón, các loại mắm, bánh trái chỉ có ở Huế để mua đem về.

Chợ bán từ 7h sáng tới chiều muộn nên du khách có thể ghé lúc nào tùy thích. Tuy nhiên sau 16h có nhiều hàng ăn vặt mở cửa hơn. Khi mua hàng có thể mặc cả.

Quốc học Huế

Quốc học Huế (Nguồn: Internet)
Quốc học Huế (Nguồn: Internet)

Đây là trường trung học đầu tiên của Huế xây từ thời vua Thành Thái, vào năm 1896. Hiện trường nằm ở số 12 đường Lê Lợi, ngay trung tâm. Trường nổi bật với màu sơn đỏ rực rỡ và những hàng cây cổ thụ xanh mướt quanh năm. Khuôn viên Quốc học Huế rất rộng nên bạn cứ thư thả đi dạo các hành lang, lớp học, sân trường, tham quan những kiến trúc Pháp xưa và chụp hình lưu niệm.

Bạn ghé trường vào buổi trưa như 11h30 hoặc sau 17h để tham quan và chụp ảnh lúc vắng học sinh. Trường có nhiều cây lớn rất mát mẻ, nếu đi vào sáng sớm có thể bảo vệ không cho vào vì trong giờ học của học sinh. Phí gửi xe vào trường là 5.000 đồng.

Cầu Trường Tiền

Câu Trường Tiền (Nguồn: Internet)
Câu Trường Tiền (Nguồn: Internet)

Bắc qua sông Hương, cầu Trường Tiền vốn là hình ảnh mà nhắc tới Huế ai cũng nhớ. Nếu ban ngày chỉ trầm ngâm in bóng xuống dòng Hương thì chiều muộn và tối đến, cầu lại được tô điểm bằng ánh đèn màu lấp lánh rất nổi bật. Tối đến, du khách tham quan cầu Trường Tiền nên kết hợp đi bộ dạo dọc bờ sông Hương, chiều hoặc tối sẽ có thêm các hàng quán ăn vặt thu hút khách.

Sông Hương

Sông Hương (Nguồn: Internet)
Sông Hương (Nguồn: Internet)

Sông Hương uốn lượn quanh co giữa núi rừng, lướt qua các làng mạc từ Kim Long, Vĩ Dạ đến Ðông Ba, Gia Hội, Nam Phổ... quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Có dịp bạn hãy du ngoạn trên sông bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng.

Nếu muốn ngắm thành phố lung linh ánh đèn từ dòng Hương, du khách có thể lên thuyền rồng và thưởng thức "đặc sản" ca Huế. Ca Huế là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian. Một dàn ca Huế chuẩn thường chỉ có một người ca cùng bộ đàn 5 cây. Dàn đàn đệm càng nhiều màu sắc càng tôn cho giọng ca. Giá vé chương trình nghe ca Huế trong khoảng 1 tiếng trên sông Hương dao động từ 100.000 - 150.000 đồng một người.

Đồi Vọng Cảnh

Đồi Vọng Cảnh (Nguồn: Internet)
Đồi Vọng Cảnh (Nguồn: Internet)

Đồi Vọng Cảnh cao 43 m, tọa lạc ở phía Tây Nam TP Huế. Chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, lại nằm trên cung đường có nhiều điểm đến như làng hương Thủy Xuân, lăng vua Tự Đức, lăng Thiệu Trị... nên từ lâu đã trở nên nổi tiếng và là điểm dừng chân của nhiều du khách.

Thời điểm thích hợp nhất để đến Vọng Cảnh là vào hoàng hôn, ngắm nhìn sông Hương đỏ lên dưới ánh mặt trời cùng những chiếc thuyền rồng nhẹ trôi, xa xa là núi đồi.

Đại Nội Huế

Đại Nội Huế (Nguồn: Internet)
Đại Nội Huế (Nguồn: Internet)

Đại Nội Huế có hơn 100 công trình kiến trúc nổi bật như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu... Quần thể công trình cổ kính này được bố trí theo nguyên tắc "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ", tính từ trong ra. Ngay cả các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự "tả chiêu hữu mục" (trái trước, phải sau, lần lượt theo thời gian).

Vì khuôn viên Đại Nội Huế rất rộng cũng như tiết trời nắng nóng mùa hè, bạn nên đến từ sáng sớm ngay khi mở cửa lúc 7h và mang theo mũ, nón tránh nắng. Bạn cần ít nhất 3 tiếng tham quan khu di tích. Vé vào Đại Nội giá 200.000 đồng một người. Khi ghé thăm các điểm tham quan tại Huế, du khách có thể thuê áo Nhật Bình chụp ảnh để hóa thân thành hậu, phi, công chúa thời xưa.

Nhà thờ Phủ Cam

Nhờ thờ Phủ Cam (Nguồn: Internet)
Nhờ thờ Phủ Cam (Nguồn: Internet)

Nằm ở số 1 đường Đoàn Hữu Trưng, công trình kiến trúc độc đáo là điểm "sống ảo" đẹp như trời Âu. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhà thờ Phủ Cam được cho là đẹp nhất xứ Huế này đã có trên dưới 10 lần xây dựng lại kể từ năm 1682.

Nhà thờ nằm trên đồi Phước Quả, chánh tòa và hai tháp chuông vươn lên trời cao rất bề thế, uy nghiêm. Bên trong nhà thờ là thánh đường rộng rãi, thoáng đãng có thể chứa tới 3.000 người cùng lúc. Vì nhà thờ Phủ Cam là địa điểm tôn giáo nên bạn cần ăn mặc lịch sự, giữ yên tĩnh khi tham quan và chụp ảnh.

Làng Thủy Xuân

Làng hương Thùy Xuân (Nguồn: Internet)
Làng hương Thùy Xuân (Nguồn: Internet)

Trên đường đến thăm đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, du khách sẽ đi qua làng hương Thủy Xuân, cách trung tâm TP Huế khoảng 7 km. Nơi này gây ấn tượng với du khách bởi những bó chân hương rực rỡ như những bông hoa đủ màu sắc.

Ngoài chụp những bức hình nghệ thuật, du khách có thể trò chuyện cùng những người làm hương, để hiểu hơn về Huế, về nét văn hóa truyền thống này. Khu vực tham quan tập trung ở hai bên đường Huyền Trân Công Chúa.

Lăng tẩm

Triều Nguyễn có 13 vua, nhưng do các lý do kinh tế và chính trị nên chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng, tất cả đều còn lại đến ngày nay với các lối kiến trúc riêng. Các lăng tẩm Huế được xây dựng từ khi vua còn tại vị nên đây không phải là chốn mộ địa u buồn mà có phong cảnh hữu tình với kiến trúc đặc sắc.

  • Lăng Gia Long (hay Thiên Thọ Lăng) được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà,. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 - 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.
Lăng Gia Long (Nguồn: Internet)
Lăng Gia Long (Nguồn: Internet)
  • Lăng Khải Định nằm ở triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 - 1925). Lăng Khải Định là công trình có diện tích nhỏ nhất nhưng lại tốn công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn. Kiến trúc lăng có sự giao thoa của hai nền văn hoá Đông - Tây, phản ánh sở thích xa hoa của nhà vua lúc sinh thời.
Lăng Khải Định (Nguồn: Internet)
Lăng Khải Định (Nguồn: Internet)
  • Lăng Tự Đức hay Khiêm Cung nằm trong một thung lũng hẹp ở thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP Huế. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475 ha. Gần 50 công trình trong lăng ở hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Trong khuôn viên lăng Tự Đức còn có Lăng mộ Kiến Phúc, vị vua thứ 7 của triều Nguyễn. Kiến Phúc là cháu được vua Tự Đức nhận làm con, lên ngôi vua tháng 12/1883 sau vua Dục Đức và Hiệp Hòa.
Lăng Tự Đức (Nguồn: Internet)
Lăng Tự Đức (Nguồn: Internet)
  • Lăng Dục Đức (hay An Lăng) tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng xây dựng vào năm 1889 và là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân. So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Lăng lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.
Lăng Dục Đức (Nguồn: Internet)
Lăng Dục Đức (Nguồn: Internet)
  • Lăng Minh Mạng còn được gọi là Hiếu Lăng, lăng có cổng chính là Đại Hồng Môn, chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng. Sau đó, việc ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Lăng có khung cảnh thơ mộng và hữu tình, xen giữa các công trình kiến trúc cổ đều có hồ nước trong xanh, mùa hè sen nở thơm ngát.
Lăng Minh Mạng (Nguồn: Internet)
Lăng Minh Mạng (Nguồn: Internet)
  • Lăng Đồng Khánh, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Đồng Khánh. Công trình nằm giữa một vùng quê nay là thôn Thượng Hai, phường Xuân Thủy, TP Huế. Vua Đồng Khánh (1864 - 1889) tại vị từ năm 1885 - 1889, tên húy Nguyễn Phúc Ưng Đường là vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn. Lăng vua Đồng Khánh mang đến lối kiến trúc phong kiến truyền thống và cả phần ảnh hưởng nét kiến trúc Tây Âu.
Lăng Đồng Khánh (Nguồn: Internet)
Lăng Đồng Khánh (Nguồn: Internet)

Cung An Định

Cung An Định (Nguồn: Internet)
Cung An Định (Nguồn: Internet)

Được ví von như là "cung điện mùa hè" của triều đình Huế, cung An Định mang dáng dấp như một tòa lâu đài châu Âu cổ kính tráng lệ, nhưng lại mang họa tiết hoa văn truyền thống cung đình Huế. UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cung An Định được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đại diện trường phái kiến trúc tân cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỉ 20.

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ (Nguồn: Internet)
Chùa Thiên Mụ (Nguồn: Internet)

Cách Đại Nội và trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía tây, chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, phường Kim Long, hướng mặt ra sông Hương êm đềm. Du khách đến chùa Thiên Mụ có thể tham quan tòa tháp 7 tầng Phước Duyên, điện Đại Hùng, vườn cây, rừng thông và khu trưng bày di vật của hòa thượng Thích Quảng Đức.

Nếu còn thời gian, bạn nên cân nhắc tham quan thêm chùa Huyền Không Sơn Thượng. Tham quan các ngôi chùa thường không mất phí, tuy nhiên để giữ không gian thanh tịnh, du khách chú ý ăn mặc lịch sự, không làm ồn.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)

Đi khỏi trung tâm thành phố khoảng 30 km, bạn đến xứ Truồi, đi vào Đập Truồi, vượt hết dốc thoải bên lưng đồi, sẽ thấy thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã soi bóng xuống hồ Truồi. Ngồi trên những con suồng nhỏ qua hồ, bạn sẽ đến thiền viện. Để lên tam quan, bạn phải leo 172 bậc. Kiến trúc thiền viện hài hoà giữa sơn thủy, với chính điện thờ Phật tổ ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề.

Chùa Từ Hiếu

Chùa Từ Hiếu (Nguồn: Internet)
Chùa Từ Hiếu (Nguồn: Internet)

Chùa Từ Hiếu từng là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng trước khi viên tịch. Đây là một trong những ngôi chùa cổ có từ triều Nguyễn, nằm ở đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân. Ngôi chùa mang nét cổ kính, nằm ẩn trong một rừng thông rộng lớn, với khe nước uốn quanh. Du khách tới đây đều ấn tượng với vẻ thanh bình, tĩnh tâm.

Tới đây du khách đừng quên thăm bảo tháp cổ, nơi chôn cất các vị hòa thượng có công xây dựng nên chùa Từ Hiếu, hay khu lăng mộ riêng biệt chôn cất các vị thái giám triều Nguyễn xưa kia góp tiền xây dựng chùa.

Nhũng địa điểm ở ngoại ô Huế dành cho những người đam mê khám phá

Phá Tam Giang

Phá Tam Giang (Nguồn: Internet)
Phá Tam Giang (Nguồn: Internet)

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha trải dài 68 km thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

Để ngắm bình minh ở phá Tam Giang, bạn cần xuất phát lúc 5h30, di chuyển khoảng 45 phút cho quãng đường khoảng 20 km. Đừng quên thử đặc sản từ tôm cá, trong đó phải kể đến bánh khoái cá kình. Đây là loại cá được bắt từ dưới phá và bán tại khu chợ gần đó. Thịt cá kình rất ngọt ăn cùng bánh khoái và nước mắm mặn sẽ khiến du khách nhớ mãi.

Rừng Rú Chá

Rừng ngập mặn nguyên sinh thuộc phá Tam Giang, làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà. "Rú" nghĩa là rừng, còn "chá" là cây chá ở vùng ngập mặn. Nếu đến đây vào mùa thu bạn còn được chiêm ngưỡng màu vàng rực của những bông chá nở khắp rừng.

Các bạn trẻ tới rừng Rú Chá rất thích thú chụp ảnh ở con đường bê tông sâu hun hút và hai hàng cây bao bọc. Từ trung tâm thành phố, bạn chạy theo quốc lộ 49 sẽ thấy bảng chỉ dẫn rẽ trái theo hướng cầu Tam Giang, đi thêm khoảng 4 km. Khách tham quan rừng Rú Chá không mất phí.

Đầm Chuồn

Đầm Chuồn là điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Nơi đây cung cấp dịch vụ lưu trú và ẩm thực, du khách có thể ở lại qua đêm. Từ trung tâm TP. Huế, bạn đi theo đường Tố Hữu để tiến về Quốc lộ 49, sau đó theo hướng An Truyền đi thẳng là đến Đầm Chuồn. Ô tô và xe máy là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất.

Đến làng Chuồn, tìm đến nhà các ngư dân ven đầm, bạn có thể hỏi thuê được ghe đi tham quan, giá 200.000 - 250.000 đồng một chuyến chở được 4 - 6 người. Khi mặt trời ửng hồng cũng là lúc nhịp sống Đầm Chuồn trở nên sinh động với tiếng khua mái chèo đập nước chở cá tôm về.

Vườn quốc gia Bạch Mã

Bạch Mã cách trung tâm khoảng 40 km, bạn có thể di chuyển bằng ôtô theo tour, gồm hướng dẫn viên địa phương, xe địa hình chuyên dụng và khách sạn qua đêm. Địa hình ở vườn quốc gia là đồi núi và sườn dốc nên rất khó đi. Hãy chuẩn bị thể lực nếu muốn trekking lên đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m.

Vườn quốc gia Bạch Mã là địa điểm lý tưởng mà nhiều khách du lịch dừng chân ngắm hoàng hôn. Tối đến, bạn nghỉ ngơi tại một villa cổ kiểu Pháp trong vườn quốc gia. Trong hành trình này, du khách có thể kết hợp ngắm sao đêm ở Bạch Mã.

Sáng sớm hôm sau, bạn tiếp tục đi bộ theo đường mòn Đỗ Quyên, đến Ngũ Hồ để chiêm ngưỡng năm hồ nước đẹp nhất rừng Bạch Mã, hòa mình vào dòng suối mát và ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Hành trình tiếp tục tới vườn thuốc quý, thác Đỗ Quyên có độ cao hơn 300 m - một trong những kỳ quan của Bạch Mã.

Bãi biển Thuận An

Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Mùa hè đến đây, bạn có thể hóng gió, tắm biển hay tham quan miếu Thái Dương.

Vịnh Lăng Cô

Bãi tắm Lăng Cô dài khoảng 8km, nằm dọc Quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn Quốc gia Bạch Mã 24km. Ðây là một bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn. Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân, phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã.

Đầm Lập An

Đầm Lập An có tên gọi khác là đầm An Cư, rộng khoảng 800 ha, nằm gần trục đường quốc lộ 1A, nối Đà Nẵng đến Huế. Tọa lạc dưới chân đèo Phú Gia, đầm được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã, một bên là vịnh Lăng Cô.

Hải Vân Quan

Hải Vân Quan được xây dựng năm 1826, là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí hết sức đắc địa, được mệnh danh là "yết hầu" của Kinh đô Huế. Hải Vân Quan như cửa ngỏ phía nam của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Hải Vân Quan nằm ở đỉnh đèo vắt qua một rặng núi đâm ngang ra biển từ dãy Trường Sơn. Đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 496m so với mực nước biển cách Huế 77,3km về phía Nam và cách Đà Nẵng 28,7km về phía bắc.

Hồ Thủy Tiên

Đây là một trong những công viên nước bỏ hoang nổi tiếng nhất thế giới. Rất nhiều khách du lịch bụi tới Việt Nam biến nó thành điểm check-in độc đáo.

Công viên này từng tốn đến 70 tỷ đồng để xây dựng và mở cửa từ năm 2004 nhưng không thu hút được nhiều khách nên dừng hoạt động sau đó vài năm.

Ngày nay, Hồ Thủy Tiên bị bao phủ bằng các bức tranh tường graffiti nhiều màu và cây cối mọc um tùm. Tuy vậy, nhiều du khách mê khám phá truyền tai nhau hồ Thủy Tiên có sức hút không tưởng, là điểm đến không nên bỏ lỡ khi ghé Huế.

Ăn gì khi đi du lịch Huế? 10 món đặc sản mang đậm chất Huế

Bún bò Huế

Bún bò là đặc sản nức tiếng của Huế. Đi du lịch Huế, chắc chắn bạn phải dậy sớm và ăn một tô bún bò ngon chuẩn vị tại đây. Nước dùng được ninh kĩ từ xương bò, hành tây, thêm các gia vị truyền thống khác tạo nên mùi vị thơm ngon, hấp dẫn. Bún bò Huế sợi to, mềm, ăn kèm miếng chả cùng chút tiết và móng heo béo ngậy. Trước khi ăn, bạn hãy thêm ít chanh tươi, vài miếng ớt cùng rau sống và trộn đều lên. Vị ngon của bún bò tại Huế khó nơi nào sánh bằng.

Bánh bèo Huế

Chén bánh bèo nóng hổi với nhân thơm ngọt đi cùng bát nước chấm có chút cay cay. Khi ăn, bạn hãy chan nước mắm lên chén bánh bèo, thưởng thức vị mềm, dẻo của bột, vị thơm của hành phi, vị ngọt của nhân tôm thịt.

Bánh canh Nam Phổ

Một tô bánh canh Nam Phổ thơm ngon, xen lẫn nhân tôm thịt đậm đà cùng những cọng hành lá xanh mướt, rưới chút mắm ớt xanh, ai có thể nỡ từ chối món ăn đặc sắc nhường này khi du lịch Huế chứ.

Chè Huế

Huế nổi tiếng với rất nhiều loại chè, mỗi loại đều có vị thơm ngon riêng như chè hạt sen, chè trôi nước, chè khoai môn, chè bột lọc thịt quay. Chẳng cần vào những nhà hàng lớn, chỉ cần ngồi bên những gánh hàng rong hay những con hẻm nhỏ, gọi một cốc chè là bạn đã có thể thưởng thức nét tinh tế trong thức quà vặt của Huế rồi.

Bánh ép Huế

Những chiếc bánh vẫn còn nóng được đặt chiếc chiếc đĩa nhựa nhỏ. Khi ăn, khách bỏ thêm rau răm, đu đủ, dưa leo rồi cuộn lại, chấm vào bát nước mắm chua ngọt. Chiếc bánh ngậy vị của mỡ, chua giòn của đu đủ ngâm, đậm đà của thịt, trứng và mùi thơm của hành lá, thật khéo cho một món quà vặt chiều hè của khách du lịch Huế.

Nem lụi Huế

Mặc dù nem lụi là món ăn không mấy xa lạ ở nhiều địa phương khác, nhưng ở Huế, nem lụi lại có vị rất riêng, thơm ngon đậm đà. Nem lụi ăn kèm với bánh tráng, rau thơm, chấm cùng nước lèo. Nước chấm được pha sền sệt, gồm đậu phộng xay nhuyễn, gan heo, thịt heo băm nhỏ.

Bánh bột lọc Huế

Bên trong lớp lá là những chiếc bánh dẻo, trong có thể nhìn thấu nhân. Lớp bột bánh khi ăn vào thấy dai, ngọt, hoà cùng mùi vị béo bùi của nhân tôm, thịt, chấm cùng chút nước mắm ngọt, cay chắc chắn sẽ làm cho những vị khách du lịch Huế không thể buông đũa.

Bánh ram ít

Bánh gồm hai phần: phần ram và phần ít. Khi bày ra đĩa, đầu bếp sẽ xếp phần bánh trắng lên trên và rắc chút bột tôm lên trên. Bánh được chấm cùng nước mắm chua ngọt thêm chút ớt tươi của Huế. Bạn rất nên thử khi đi du lịch Huế nhé.

Bánh nậm

Bánh nậm là món ăn dân dã đặc trưng của Huế. Bánh có hương vị thơm ngon, mềm mịn, đậm đà vị tôm. Cách ăn bánh nậm đúng điệu là lột bỏ lớp lá phần trên bánh, để nguyên phần lá gói bên dưới, trải phẳng bánh ra đĩa, rưới chút nước chấm chua ngọt lên trên và dùng thìa xúc từng miếng.

Vả trộn

Vả trộn là món ăn rất được yêu thích trong các bữa cơm dân dã của người dân xứ Huế. Quả vả luộc chín rồi phi thơm cùng hành, tỏi, cuối cùng bỏ tôm, thịt vào đảo cùng. Lúc xếp lên đĩa, đầu bếp sẽ rắc chút mè, lạc rang và rau răm.

Du lịch Huế mua gì làm quà?

Mè xửng

Kẹo mè xửng đã trở thành biểu trưng của văn hoá Huế. Ai đến Huế cũng mua mè xửng về làm quà.

Mắm tôm chua

Mắm tôm chua là món ăn dân dã của Huế. Mắm có vị chua thanh của tôm, cay nồng của gia vị. Dùng để chấm các món luộc cực kì ngon.

Mắm ruốc

Mắm ruốc là gia vị phổ biến ở Huế, tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn.

Tré Huế

Tré Huế cũng giống như món nem, được dùng khá nhiều vào các dịp lễ, Tết hoặc tiệc của người Huế. Tré Huế gồm hai loại, tré heo và tré bò, ăn giòn và dai rất lạ miệng.

Một số lưu ý khi đi du lịch Huế

Một số lưu ý nhỏ cho bạn để có chuyến du lịch Huế trọn vẹn:

  • Lựa chọn thời điểm tốt để khởi hành tới Huế
  • Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, tư trang cá nhân như: Kem chống nắng, mũ, thuốc men, giày dép…
  • Thời tiết Huế về đêm thường lạnh, nên mang áo khoác mỏng để giữ thân nhiệt
  • Đồ ăn Huế thường có giá khá rẻ nên thoải mái thưởng thức các đặc sản ở đây
  • Chú ý thời hạn sử dụng khi mua vé thăm cố đô Huế
  • Mua đồ tươi sống ở chợ Đông Ba thì đi sáng sớm, còn đồ khô thì mua buổi chiều là tốt nhất
  • Mặc trang phục lịch sự khi đi thăm viếng lăng tẩm.
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây